Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Món nhậu chân gà được lưu học sinh “phát minh” từ Ấn Độ?


Một đĩa chân gà vừa chín tới, còn nghi ngút khói, bên cạnh đĩa muối ớt, muối tiêu, vắt chanh xếp sẵn bên cạnh, chúng tôi vào cuộc cùng loại bia "Nhãn hiệu đen" của Ấn Độ.

Thực ra, phải nói ngay rằng ở Ấn Độ, món thịt gà không được... coi trọng lắm như ở ta. Suốt 4 năm công tác ở bên đó, tôi cũng chưa thấy món thịt gà “có mặt” trong các buổi tiệc chiêu đãi ngoại giao lớn, nhỏ; cũng chưa thấy những đĩa thịt gà vàng ươm được bày trong tiệc cưới dù tôi đã lang thang ở khá nhiều bang và được mời dự không ít lễ cưới của bạn bè Ấn Độ.
Xin kể một “chi tiết đầu tiên” khi đi mua gà ở chợ, để thấy phong tục của bạn chẳng giống như ở mình. Gà được nhốt trong các ô lồng bằng tre, bằng gỗ và những người bán gà cũng í ới chào mời khách mua bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Hindi. Thích mua loại to hay nhỏ, gà trống hay gà mái... đều được những người bán hàng đáp ứng rất nhanh và rất nhiệt tình.
Họ buộc chân và cánh gà lại chỉ trong một vài giây đồng hồ, và móc ngay lên chiếc cân treo trước mặt khách mà nhiều khi quả cân chỉ là một... cục đá! Chỉ đợi khách gật đầu “OK” và đồng ý để họ làm thịt gà hộ, miễn phí, thì bạn chỉ cần đứng đợi chừng 2 - 3 phút đồng hồ là “coi như xong”. Trước hết, họ kê vào thớt để chặt ngay cái đầu gà, kế đó là đôi cẳng gà và được quẳng ngay vào... sọt rác!
Một đường dao khía nhẹ theo lưng gà, và chỉ một động tác kéo nhẹ nhàng, toàn bộ con gà được... lột da (kèm theo cả lông). Một động tác nữa mổ bụng con gà và với sự khéo léo như làm xiếc, toàn bộ những thứ trong bụng gà cũng được lôi ta, và đương nhiên cũng được cho vào... sọt rác! Vậy là “đi chợ Ấn Độ để mua gà” thì yên chí là sẽ không có tiết, không có thủ gà, cẳng gà, cũng không có lòng gà, mề gà, tim, gan... và đương nhiên là không thể có đĩa thịt gà da vàng ngậy như ở ta!
Biết dân Ấn Độ làm thịt gà kiểu đầu gà chân gà chặt bỏ vào cái xô riêng để đem ra đổ thùng rác, nên anh em “đặt cọc” với một hai cửa hàng để riêng chân gà vào một cái túi nylon để buổi chiều đạp xe đạp ra lấy về. Hồi đó có chừng 15 nghiên cứu sinh của ta sang nghiên cứu dài hạn tại Học viện Nông nghiệp Pusha, cách sứ quán khoảng 7 km. Nhấc điện thoại “ới” nhau một tiếng là khoảng nửa giờ sau, mấy anh em trai trẻ của sứ quán có mặt trong Học viện.
Một xô nước được... cắm dây mai-xo cho sôi, và túi chân gà được rửa bằng nước lạnh cho sạch, đổ vào nhúng nước sôi. Cả “hội” xúm nhau lại để bóc da chân gà cho sạch, rửa lại lần nữa rồi đem luộc (cũng bằng cách cắm dây mai-xo luôn!). Một đĩa muối ớt hoặc muối tiêu, vắt chanh đàng hoàng được đặt trên những tờ báo trải ra giữa nhà, bên cạnh là những đĩa chân gà vừa chín tới, còn nghi ngút khói. Ấn Độ có loại bia “Nhãn hiệu đen” (Black Label) chai to, vừa hợp khẩu vị, vừa hợp... túi tiền “quân ta”. Thế là có thể ngồi bù khú với nhau đến khuya, và cứ khoảng một tuần là lại có thể “diễn ra” một bữa nhậu chân gà như thế!
Cần nói thêm rằng hồi đó cuộc sống của lưu học sinh và cả nhân viên sứ quán đều phải rất tằn tiện. Vượt lên khó khăn, anh chị em lưu học sinh đã lập được những kỳ tích xuất sắc như Tiến sĩ Bùi Bá Bổng giành huy chương vàng duy nhất cho luận văn xuất sắc nhất hàng năm, một loạt các Tiến sĩ Việt Nam đã bảo vệ thành công luận văn, với những sự khen ngợi “hết lời” của các giáo sư, viện sĩ của bạn.
Rất nhiều Tiến sĩ nay đã trở thành những cán bộ đầu ngành, những nhà nghiên cứu quan trọng trong ngành nông nghiệp của nước ta. Có thể kể tên một vài người : TS Bùi Bá Bổng nay là Thứ trưởng Bộ NN & PTNT, TS Phạm Sĩ Tân đang là Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, TS Nguyễn Thị Hòa phụ trách một bộ môn quan trọng của Viện Lúa, TS Nguyễn Minh Châu hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI)... và còn nhiều anh chị em khác giữ những trọng trách về các ngành chuyên môn sâu.
Đây chính là lớp nghiên cứu sinh đã từng sống dài hạn ở Học viện Nông nghiệp Pusha, đã có những buổi... ngồi nhậu chân gà, chia sẻ với nhau những kỷ niệm thân thương từ thuở còn... hàn vi, và đến nay mỗi khi gặp lại nhau, chúng tôi đều vui vẻ và thích thú nhắc tới “những xô chân gà luộc” như những kỷ niệm đẹp của “một thời để nhớ”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét