Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Cô đơn tuổi già

(Dân trí) - Hồi trẻ bạn xinh gái tài hoa chả kém ai, vậy mà cũng chả lấy ai, so đo, kén chọn mãi đến khi có tuổi thì toàn đám hâm đơ, bỏ vợ đến tìm...

Ngoài năm mươi bạn mới đồng ý lấy một ông góa vợ, lại ít hơn bạn một tuổi, đã có con, và sắp có cháu. Bạn bè thân thiết chẳng góp ý gì nhiều chỉ biết chúc phúc cho bạn và tin vào duyên số. Dù nhiều người góp ý nên để nhà đó cho thuê, sau lấy chốn mà đi về, song bạn vẫn quyết bán căn hộ tập thể được cơ quan phân cho, cách đây chục năm đã được hơn bốn trăm triệu. Ba trăm triệu bạn gửi ngân hàng, còn lại về mua sắm, sửa sang lại nhà chồng. Bạn lý luận “Để làm gì lãng phí, sau có thế nào thì số gửi tiết kiệm cũng đủ để mình sống qua ngày”.
Bạn chưa lường hết việc, lúc mà còn chiều nhau được thì vẫn anh anh em em, khi mà khỏe mạnh cơm ngon canh ngọt hầu hạ, tiền nong rủng rẻng thì vẫn vui vẻ, đầm ấm lắm. Chỉ khi đau yếu mới biết được lòng nhau. Lũ cháu của chồng, bạn cũng có công chăm nom hầu hạ, vậy mà đến khi hoạn nạn mấy đứa con chồng phủi quần, vuỗi bỏ trách nhiệm, quan tâm làm cái gì, họ chỉ có một mẹ đã mất.
Bạn bị ung thư, rồi các bệnh tật thi nhau kéo đến. Neo người nên ở viện bạn phải tự thuê người chạy đi chạy lại chăm sóc đỡ đần mình, họ làm xong việc là về, cũng chẳng được theo ý muốn nhưng thôi có còn hơn không, chả hơn là nằm khô chết queo mà không ai hay.
Hôm bạn vừa điều trị xong bác sỹ cho về nhà, hội bạn ở quê đến thăm, ra Hà Nội đường ngoắt nghéo, bạn liền nhờ chồng đi đón hộ, về đến nơi thấy chồng bạn đòi tiền công, rồi nghe phong thanh muốn đi đâu phải đổ xăng chồng mới chở đi. Chả đáp ứng được “nhu cầu” nên chồng cũng tỏ ra thờ ơ.
Bạn cúi mặt khi biết các bạn nghe được câu chuyện đáng ái ngại ấy. Rồi bạn chẹp miệng, phải chịu thôi, mình với họ có máu mủ ruột rà gì đâu, chả trách được. Bạn tự quán triệt với mình cho nhẹ đầu, số lương và tiền đang gửi tiết kiệm mà hết thì cũng coi như chết.
Giờ mẹ già đã mất, anh em thì có gia đình riêng cả, cô đơn quạnh quẽ. Bạn bè mang tiếng là thân xong lúc ấy cũng bận trăm bề, con cháu nhà cửa, chỉ có thể xuống đoảng qua chớp nhoáng thăm nom, chứ đâu thể ở lại sớm hôm.
Chồng tuy về hưu rồi nhưng vẫn bận rộn với các em lắm. Hôm ấy bạn thân ngủ lại một đêm nằm chuyện trò với bạn, khuya rồi chồng bạn vẫn lên sân thượng điện thoại cho em nào đó, thanh vắng nên nghe được từng câu chữ: “Em à, anh đến tìm em ba bốn lần chả gặp... Ừ ừ, thế mai nhé... Ừ ừ...”.
Hai gương mặt quay sang nhìn nhau chẳng biểu cảm: “Cứ kệ, mình chẳng ăn được thì để nó đi cho yên nhà”. “Ừ càng tốt, đã lâu rồi chẳng chung đụng, tớ giữ làm gì đâu, cũng chẳng có gì ràng buộc mà”.
Hôm sau bạn thân khóc mếu áy náy vì phải về luôn chả ở lại được, bạn cố khoe nụ cười: “Tớ còn khỏe, muốn chết cũng phải chục năm nữa, hôm nào có thời gian thì xuống nói chuyện, giờ ai cũng bận rộn cả, tớ hiểu”. Đó cũng là cách từ chối khéo cho bạn thân khỏi suy nghĩ.
Người bạn về mà trong lòng vẫn mông lung, thương bạn cứ sống âm thầm như vậy và luôn phải tự an ủi bản thân, khối người con đàn cháu đống vẫn vò võ một mình, cô đơn đến chết đấy thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét