Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Startup Việt - Trăm nghìn nỗi lo

- Kinh tế khủng hoảng, giữ được việc làm đã khó chứ chưa nói tới những cam go của khởi nghiệp.
- Vấn đề tài chính để nuôi dự án đã là một thách thức cực lớn. Các quá trình đầu tư phải theo các bước rõ ràng.
- Startup công nghệ đang dần bão hòa và khá mạo hiểm khi nhảy vào lĩnh vực này.
- Startup phát triển các dịch vụ và sản phẩm xã hội đang được chào đón.
- Tạo lập mối quan hệ là rất cần thiết cho các startup. Các startup có thể tham dự các hoạt động offline hoặc tới các mạng lưới khởi nghiệp để tìm kiếm mối quan hệ.
Khởi nghiệp đang dần trở thành một xu hướng trong một thế hệ trẻ người Việt. Gần như bạn có thể cảm nhận được không khí “người người làm startup, nhà nhà nghĩ chuyện làm startup” ở khắp mọi nơi.

“Ra riêng” là một việc rất khó khăn và một người làm startup cần phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với liên tiếp thất bại này đến thất bại khác. Trước thời điểm dự án của bạn nhận được đầu tư và bắt đầu vào guồng thì mọi thứ đều thật kinh khủng. Thế nên, chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta lại nói muốn làm khởi nghiệp thì phải biết sống bằng “niềm tin”. Giữa bối cảnh kinh tế khủng hoảng như hiện tại, gần như ai ai cũng phải sống trong hy vọng nên việc làm khởi nghiệp không còn là một thử thách quá cam go về tinh thần đối với một số người. Mặc dù vậy, tất cả vẫn không thể chối bỏ được gánh nặng về kinh tế. Nếu như từ bỏ công việc với mức thu nhập ổn định hiện tại để làm startup thì bạn đã phải đối mặt với một rủi ro cực lớn trong khi khả năng thành công sau 1 2 năm của mình vẫn còn quá mong manh.

Startup Việt - Trăm nghìn nỗi lo 1
Đỗ Hoài Nam, CEO và founder của Emotiv System.
Chỉ riêng chuyện kiếm tiền nuôi dự án thôi đã là cả một vấn đề lớn. Nhiều người được hỗ trợ bởi gia đình có kinh tế mạnh thì còn phần nào yên tâm. Những startup khác thì phải chạy vạy đủ nơi mong trụ lại được đến thời điểm có thể đem sản phẩm ra trước mắt các nhà đầu tư để gọi vốn. Với một số ít startup đã thành công, kinh nghiệm mà họ chia sẻ lại cho các hậu bối là mọi quá trình đầu tư đều có các phase (bước) rõ ràng. Trong team của bạn ít nhất nên có một người có tư duy tài chính đủ mạnh và nắm được tâm lý của các nhà đầu tư để biết những thời điểm nào là thích hợp để đi xin vốn, xin bao nhiêu và xin như thế nào. Khi đó, lộ trình dự đoán sẽ trở nên rõ ràng hơn và mọi người sẽ không phải sống trong lo sợ. 

Ở thời điểm này, cách vận động nguồn tiền vẫn là một bài toán khó đối với cả nền kinh tế. Nỗi lo không phải chỉ của riêng mình bạn. Đó là còn chưa kể đến sự cạnh tranh của các startup khác hoặc một số dự án của các tập đoàn lớn. Nếu như sản phẩm của bạn có nhiều đối thủ cạnh tranh thì việc giành giật vốn lại càng khó khăn hơn. Lúc đó, chỉ riêng sản phẩm tốt vẫn là chưa đủ. Khi đứng trước các nhà đầu tư, tầm nhìn, tâm lí và bản lĩnh vững vàng sẽ có thể đem về những khoản tiền lớn hơn cả trông đợi. Thế nhưng, đó cũng có thể là một mất mát lớn bởi cơ hội không hề xuất hiện hàng ngày.

Startup Việt - Trăm nghìn nỗi lo 2
Bill Nguyễn, founder Color, một dự án gặp khá nhiều lùm xùm về tài chính.
Phần lớn các startup hiện nay đều là tech startup. Đây là một thực trạng đáng lo bởi thị trường tech startup đang dần bão hòa và các nhà đầu tư cũng trở nên đặc biệt khắt khe với những dự án truyền thông và công nghệ. Nếu dấn thân vào lĩnh vực này thì bạn cũng tự chọn một thử thách với tỉ lệ mạo hiểm cao hơn. 

Trong khi đó, những doanh nghiệp xã hội (social enterprise), phát triển những sản phẩm và dịch vụ không liên quan nhiều đến công nghệ, đóng góp được cho cộng đồng và xã hội thì lại nhận được nhiều sự ủng hộ. Lí do đầu tiên nằm ở việc họ là những người đang đi tiên phong cho một thị trường mới. Khi kinh tế đang đi xuống thì việc ở lại với những thị trường cũ là một điều không nên. Chuyên gia marketing Philip Kotler cũng nói rằng tạo ra được thị trường mới là việc rất đáng làm ở thời điểm này. Những startup liên quan đến du lịch, dịch vụ hay sản xuất áo phông đang hoạt động tốt mà chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh.

Chuyện xây dựng một team mạnh luôn là điều mọi người phải cân nhắc đầu tiên khi làm startup. Vấn đề này phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng chỉ riêng việc tạo lập mối quan hệ tốt sẽ đem về rất nhiều cơ hội cho chính bạn. Việc thường xuyên gặp mặt những người trong ngành cũng sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức đa chiều về thị trường mà mình đang tấn công. Một số mạng lưới như iStart trong thành phố Hồ Chí Minh còn mở ra một Start Center để các startup có thể đến họp mặt, trao đổi, cùng làm việc với nhau thường xuyên. 

Tuy nhiên, có một ít startup lại không mặn mà với chuyện quan hệ. Họ biết rằng ở thời điểm này mình cần tập trung tối đa để có thể launch được sản phẩm đúng hạn định hơn là đầu tư quá nhiều công sức cho những mục đích dư thừa. Đôi khi, yêu tố cạnh tranh chủ lực của dự án lại là sự mới mẻ của ý tưởng. Thế nên, cần hạn chế tối đa việc tiết lộ bí mật của công ty.

Startup Việt - Trăm nghìn nỗi lo 3
Làm startup thì lúc nào cũng thiếu. Thiếu tiền. Thiếu nhân lực. Thiếu thời gian. Thiếu sự hỗ trợ thì các nhà đầu tư và chính sách từ chính phủ. Thế nhưng, khả năng làm việc trong khuôn khổ hạn hẹp lại là một thứ mà mọi người cần phải có nếu làm startup ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét